Lịch sử phát triển Hibiki (lớp tàu giám sát đại dương)

Về mặt chiến lược, các hòn đảo bao phủ một vùng biển rộng lớn của Nhật Bản là một chướng ngại vật. Xung quanh các vùng biển gần của Nhật Bản có nhiều “nút thắt cổ chai” đặc biệt quan trọng cho phép tàu, thuyền của các quốc gia khác tiếp cận biển Thái Bình Dương. Kiểm soát các eo biển quan trọng này là một trong những chính sách ưu tiên hàng đầu của Nhật Bản.

Trong thập niên 1980, Hải quân Liên Xô đã cho ra đời ra những chiếc tàu ngầm có độ ồn tiêu chuẩn mới- tàu ngầm lớp Kilo, được cho là “sát thủ dưới đại dương”, có độ yên tĩnh đến mức NATO gọi là “hố đen”. Những chiếc tàu ngầm động cơ điện-diesel này được phủ lớp vật liệu (hay còn gọi là lớp ngói) chống dội âm nên đã làm giảm đáng kể tiếng ồn của chúng.

Năm 1988, đã có ít nhất 7 tàu ngầm lớp Kilo hoạt động trong khu vực “sân sau” của Nhật Bản. Những chiếc tàu ngầm tàng hình này đã đe dọa đến các tuyến đường giao thông kinh tế huyết mạch của Nhật Bản. Ngoài ra, giáp biên giới trên biển phía bắc của Nhật Bản là biển Okhotsk, nơi có căn cứ của các tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo của Liên Xô.

Nhằm đối phó với các tàu ngầm có "độ yên tĩnh" ngày càng cao của Hải quân Liên Xô trong những năm 1980, Cục Phòng vệ Nhật Bản (nay là Bộ Quốc phòng) đã công bố kế hoạch phát triển phát triển tàu giám sát đại dương lớp Hibiki vào năm 1989. Mặc dù khó bị phát hiện bởi các tàu tuần tra chống ngầm hải quân tiêu chuẩn, nhưng những “sát thủ dưới đại dương” vẫn dễ bị tổn thương bởi mạng lưới giám sát của Mỹ và Nhật Bản như hệ thống giám sát cảm biến của tàu Hibiki.

Các tàu JS Hibiki và JS Harima thường hoạt động ngoài căn cứ hải quân Kure, Hiroshima, dưới quyền chỉ huy của Cục Hải dương học. JMSDF chỉ phân loại các tàu lớp Hibiki là tàu đo lường cảm biến âm thanh, nhưng tên tiếng Anh chính thức của nó là Tàu giám sát đại dương.

Cả ba tàu thuộc lớp này đều được đóng bởi Nhà máy đóng tàu Tamano thuộc Mitsui Engineering & Shipbuilding. Hai chiếc đầu tiên, JS Hibiki (AOS 5201) và JS Harima (AOS 5202), đã phục vụ trong lực lượng JMSDF lần lượt từ năm 1991 và 1992. Tàu thứ ba, JS Aki (ASO 5203), được đưa vào hoạt động năm 2021. Chi phí đóng mới các tàu lớp Hibiki trị giá khoảng 164 triệu dollar (chi phí tàu JS Aki). Mỹ và Nhật Bản cùng phân bổ chi phí vận hành các tàu Hibiki, khoảng 20 triệu dollar mỗi năm.[1][2]